Menu

Vi vu Tây Nguyên 30/4 cùng Kim Lien Travel

Cao nguyên bazan Tây Nguyên đầy nắng và gió?  Chuyến đi cùng Kim Lien Travel dịp 30/4 về với đại ngàn Tây Nguyên mở ra cho tôi những điều mới mẻ khác về vùng đất này. 4 ngày 3 đêm tưởng dài mà không phải, thoắt cái đã đáp xuống sân bay Nội Bài và trở về nhà mà trong lòng thì vẫn nhớ về miền đất của buôn làng, những con người chân chất và rất thật. 

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Dịp lễ 30/4 này chúng tôi mới chỉ kịp ghé qua thủ phủ vùng Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk và phố núi Pleiku - Gia Lai mà chân vẫn còn muốn trở lại để khám phá những nơi còn bỏ lỡ. Từ bài viết review lịch trình du lịch Tây Nguyên 4 ngày 3 đêm này, bạn có thể tham khảo cho chuyến đi sắp tới của mình nhé!

Ngày 1: Không gian văn hóa cafe Ako Dhong - Cây Di sản - Thác Draynur

Ngay khi đáp xuống sân bay, thành phố Buôn Mê Thuột chào đón chúng tôi bởi thời tiết vô cùng dễ chịu, nắng nhẹ, gió mát, chỉ khoảng 23 độ. Quãng đường từ sân bay về trung tâm thành phố không quá xa và phải nói rằng đây là quãng đường sân bay đẹp nhất ở Việt Nam vì 2 bên trải dài rừng thực nghiệm xanh mát.

Sau đó xe dừng chân tại một quán ăn để chúng tôi tự túc ăn sáng, lấp đầy dạ dày sau chuyến bay sớm từ Nội Bài. Tôi gọi một tô bún riêu nhưng cũng khá bất ngờ vì riêu ở đây giống nhưng những miếng thịt băm lớn lẫn cùng gạch cua có chút tiêu đậm vị. Rồi chúng tôi tiếp tục đóng vai như một người dân Buôn Mê, cả đoàn đến buôn Ako Dhong ( một buôn làng cổ người Ê đê) để thưởng thức cà phê sáng đậm chất. 

Buôn Ako Dhong cũng nằm ngay trong trung tâm thành phố nên việc di chuyển không quá tốn nhiều thời gian. Ở đây, dù bạn thấy những mái nhà hiện đại nhưng cũng không thiếu những ngôi nhà sàn dài Ê đê ngay kế bên với cầu thang đi lên khắc “ Vầng trăng non- Bầu sữa mẹ” biểu tượng của chế độ mẫu hệ.

Anh HDV đưa chúng tôi vào một quán cà phê nhưng có lẽ tôi phải gọi là một không gian văn hóa cà phê thì đúng hơn vì cách người chủ chăm chút cho nó quá tỉ mỉ và tinh tế. Chủ đạo là những ngôi nhà sàn dài có nhiều cửa sổ nhìn ra vườn cây, hoa lá bên ngoài.

Khuôn viên đặt những bức tượng trông thì đơn giản nhưng như được thổi hồn trong đó. Với tôi trông chúng đáng yêu lắm. Rồi thì thuyền độc mộc, những cây Kơ nia, hoa mua...Một sự may mắn nữa là đi vào mùa bươm bướm, nên chúng cứ bay dập dờn trong vườn, cực thơ và cực đẹp.

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/arul-cafe.jpg
 Thưởng thức ly cafe Ban Mê ngay trong ngôi nhà sàn dài Ê đê 

 

Rời buôn làng cổ, xe đưa đoàn ghé thăm Cây Di sản ( Cây Long Não) nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc. Có lẽ để một lần nữa thấy rằng, thời tiết Tây Nguyên quá ưu đãi nên cây cối ở đây xanh rất xanh. Cây có thể là 100 năm tuổi nhưng bạn sẽ nhầm tưởng là 300, 400 tuổi đó. 

Tới buổi chiều chúng tôi dành thời gian khám phá dòng thác Draynur, cách thành phố chừng 1h đi xe ô tô ( 50km ). Dọc đường đi, xe lướt qua những vườn điều rộng lớn đang vào mùa thu hoạch, những cây kơ nia cổ thụ, lắng nghe những câu chuyện về cây pơ nang ( cây gạo hay cây mộc miên)...và rồi dừng chân tại thác Draynur.

Đây là một điểm đến đáng để đặt chân tới, chúng tôi đi vào cuối mùa khô nhưng dòng thác chảy dữ dội lắm, nước xanh như ngọc. Tiếng thác nước cứ đổ xuống ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Rễ cây cổ thụ bao trùm lên những tảng đá lớn khiến bạn phải choáng ngợp.  

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/thac-draynur-daklak.jpg
Đoàn chụp hình ngay trước cổng vào thác Draynur
/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/cum-thac-draynur3.jpg
Tại thác Drauynur có những rễ cây ôm trọn vào đá

Buổi chiều tối, tôi dành thời gian khám phá thành phố Buôn Mê Thuột, có những quán ăn ngay gần khách sạn để thưởng thức những món ngon địa phương như bún đỏ, bánh tráng trộn,...

 

Ngày 2: Núi đá voi mẹ - Cưỡi voi hồ Lắk - Biệt điện Bảo Đại - Vườn ca cao - Bảo tàng thế giới cà phê

Chuyển hướng hành trình về phía Đông Nam thành phố Buôn Mê Thuột, ngày 2 chúng tôi dành trọn buổi sáng để khám phá và dạo chơi quanh khu vực Hồ Lăk - nơi được coi là vựa lúa lớn của cả Tây Nguyên. Trên đường đi đoàn dừng chân tại núi Đá voi Mẹ, nói là núi nhưng giống như một tảng đá khổng lồ mà bạn có thể leo lên và từ đây nhìn xuống rừng bạch đàn phía dưới hay bao trọn cảnh sắc núi non phía xa. Trời có nắng nhưng lên đây lộng gió và đã vô cùng. 

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/nui-da-voi-me.jpg
Trên núi Đá Voi Mẹ nhìn xuống
/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/nui-da-voi-me1.jpg
Núi đá Voi Mẹ không chỉ là điểm check in của các bạn trẻ thôi đâu bạn nhé 

Sau đó chúng tôi di chuyển ra xe đến Hồ Lăk. Vì có bài hát Chú voi con ở bản Đôn mà có lẽ bạn quên rằng Hồ Lăk mới là nơi đang bảo tồn nhiều chú voi nhất. Voi như người bạn, người thân của những gia đình xứ này nên người dân đều đặt cho chúng tên, họ để phân biệt. Tại hồ Lăk, bạn có thể thuê những bộ trang phục truyền thống của người Ê đê và cưỡi voi đi trong buôn làng, lội hồ, cho voi ăn chuối, mía hoặc tắm voi. Cũng tại đây du khách có thể đi thuyền độc mộc, ngồi cano tham quan hồ.

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/cuoi-voi-ho-lak.jpg
Cưỡi voi tại Hồ Lăk

Cách hồ Lăk không xa, chúng tôi di chuyển lên biệt điện của vua Bảo Đại. Căn biệt thự mang dáng dấp kiến trúc kết hợp của ngôi nhà sàn Ê đê. Đứng trong ngôi nhà, nhìn qua những ô cửa sổ kính lớn, hoa đại nở rộ phía xung quanh, tôi  đưa tầm nhìn xuống hồ Lăk, một khung cảnh nên thơ và lãng mạn.

Quanh biệt thự có 13 cây đại cổ thụ như cuộc đời gắn với con số 13 của vị vua cuối cùng thời kỳ chế độ phong kiến. Vua Bảo Đại sinh năm 1913, lên ngôi vua năm 13 tuổi, là vị vua thứ 13 và trị vì đất nước đúng 13 năm. Một sự trùng hợp đặc biệt!

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/z2471029212694_a644b4c7bf2367b1cbd6f0215f36f358.jpg
Biệt điện được bao quanh bởi những cây hoa đại cổ thụ

 

Bữa trưa chúng tôi dùng bữa tại một nhà hàng bên hồ. Ngoài các món như chả cá thác lác, rau rừng,cá bống ở hồ Lăk cũng đặc biệt ngon không kém, cá không hề bị sạn vì lòng hồ không có cát. 

Ăn trưa xong, cả đoàn di chuyển về trung tâm và đến buổi chiều khi trời dịu mát, chúng tôi đến thăm vườn cacao và uống cacao tươi tại đó. Có lẽ chúng ta quen với ca cao có màu nâu trong hình dung nên trải nghiệm một ly cacao tươi có màu trắng ngà khá lạ.

Tôi có cảm giác vị nó giống sinh tố mãng cầu phần nào đó. Cacao tươi là thứ thức uống mà bạn có thể uống ngay tại chỗ vì không bảo quản bên ngoài được lâu. Đến Buôn Mê Thuột đừng bỏ lỡ nhé.

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/vuon-cacao-daklak.jpg
Thăm vườn cacao và uống cacao tươi ngay tại vườn

Điểm dừng chân cuối cùng trước bữa tối là Bảo tàng thế giới cà phê. Đây có lẽ là điểm đến mong chờ nhất của mọi người trong chuyến đi này. Với những ngôi nhà lấy cảm hứng từ những mái nhà rông Tây Nguyên, nơi đây trưng bày dụng cụ trong trồng - sản xuất - chế biến cafe hàng trăm năm được sưu tập từ khắp nơi trên thế giới.

Với những người yêu cà phê thì có thể dành thời gian để tìm hiểu lịch sử caphe và thưởng thức 1 ly ngay trong bảo tàng hoặc không thì có thể chụp ảnh thoải mái bởi có vô vàn những góc sống ảo cực xịn tại đây.

 

Ngày 3: Cụm du lịch Cafe Trung Nguyên - Chùa Sắc Tứ Khải Đoan - Buôn Đôn - Pleiku

Là ngày cuối tại thủ phủ Buôn Mê, sau bữa sáng tại khách sạn, đoàn trả phòng và tranh thủ ghé thăm cụm du lịch cafe của Trung Nguyên ngay trung tâm, chùa Sắc Tứ Khải Đoan - ngôi chùa có thể nói là đầu tiên trên cao nguyên này trước khi lên đường di chuyển về huyền tích Buôn Đôn - nơi mệnh danh có nhiều dũng sĩ săn voi lẫy lừng nhất.

Tại đây, chúng tôi được dẫn đi tham quan ngôi nhà cổ của vua săn voi Amakong. Và nếu bạn thắc mắc là mua thuốc Amakong ở đâu chuẩn thì chính là tại nhà ông Amakong nhé, thuốc về ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chữa các bệnh xương khớp và bổ thận tráng dương.

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/cum-du-lich-lang-cafe-trung-nguyen.jpg
Khuôn viên của cụm du lịch cafe Trung Nguyên vô cùng thoáng mát vào buổi sáng
/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/chua-sac-tu-khai-doan.jpg
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan - Một công trình Phật giáo tuyệt đẹp

Vài phút di chuyển là chúng tôi tới buôn Đôn, vào Buôn Đôn sẽ là một trải nghiệm thú vị khi đi qua những cây cầu treo giữa những cây si già trăm năm tuổi. Cái cảm giác lắc lư khi đi trên cầu và dòng nước chảy siết phía dưới đôi lúc khiến tôi rùng mình. Qua những cây cầu, sang đảo Ea Nô và xem show múa hát của người Ê đê sau đó chúng tôi ăn trưa ngay tại nhà hàng Sàn Si, đúng kiểu nhà hàng ngồi sàn giữa bóng si mát rượi.

Rời huyền tích Buôn Đôn, buổi chiều đoàn di chuyển về Pleiku. Thời gian di chuyển về khá dài, khoảng 4h30 phút nhưng xe dừng chân 2 lần để nghỉ ngơi. Quãng đường từ Buôn Mê về Pleiku quá đẹp, con đường chạy thẳng, hai bên là rừng cao su bạt ngàn, đúng cảm giác đang đi giữa đại ngàn.

Khi gần về đến trung tâm Pleiku, chúng tôi ghé thăm học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, đúng lúc các cầu thủ đang tập trên sân nên cả đoàn chỉ đứng xem Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn tập bóng. Tiếc vì tình hình dịch Covid phức tạp nên chúng tôi giữ khoảng cách và không chụp nhiều hình kỷ niệm. 

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/hoc-vien-bong-da-hoang-anh-gialai.jpg
Đoàn chụp hình cùng HLV Kiatisak  tại HAGL
 

Buổi tối ở Pleiku mát mẻ, ở tại khách sạn trung tâm đối diện chợ đêm nên quá tiện để mọi người thưởng thức nhiều món ngon mà rẻ giật mình như hoa quả dầm trong tô, bánh tráng trộn, gỏi cuốn…

Ngày 4: Quảng trường Đại đoàn kết - Biển Hồ - Hàng thông trăm tuổi - Hà Nội

Ngày cuối cùng ở Tây Nguyên, chúng tôi ghé thăm những điểm phải đến và đáng đến ở thành phố này. Pleiku không lớn như thủ phủ Buôn Mê nhưng đúng là mỗi nơi trên cao nguyên có một nét riêng. Lễ hội Cafe Buôn Mê Thuột, Festival Hoa Đà Lạt  thì Gia Lai có lễ hội cồng chiêng.

Dù không có cơ hội tham gia vào lễ hội cồng chiêng tại buôn làng nhưng có cơ may ghé thăm quảng trường Đại đoàn kết tại trung tâm phố núi để chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng lớn nhất nơi đây. Sau đó cả đoàn đến Biển Hồ Nước, một nơi đã quá nổi danh với tên gọi Đôi mắt Pleiku, là nơi cung cấp nước ngọt cho toàn thành phố.

Nước hồ xanh trong, được bao bọc bởi rừng thông 3 lá hay còn gọi là cây xà nu trong văn học. Theo như anh HDV chia sẻ, tôi nhớ lại thì loài thông này sản sinh ra một loại khí rất tốt cho sức khỏe nên thời điểm tốt nhất để ghé thăm là sau 5h chiều và trước 9h sáng.

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/bien-ho-nuoc.jpg
Biển Hồ T'Nueng - Đôi mắt Pleiku

Cách Biển Hồ nước không xa là Hàng thông trăm tuổi, nơi mà các bạn trẻ vẫn check in “rần rần” gọi là con đường Hàn Quốc. Thông ở đây là loài thông 2 lá hay gọi là thông đỏ, là loài thông quý được trồng và bảo tồn trăm năm. Cảm giác lạc bước giữa đường thông, hai bên là đồi chè vút tầm mắt đã có từ thời Pháp sẽ là một dấu ấn khó quên trong lòng du khách. 

/upload/image/tay-nguyen/review-tay-nguyen-30-4/bien-ho-che.jpg
Dưới bóng hàng thông ở Biển Hồ Chè

Sau bữa trưa, đoàn nghỉ ngơi tại nhà hàng địa phương và di chuyển ra sân bay Pleiku đáp chuyến bay  về Hà Nội.

 

Những ngày ở Buôn Mê và Pleiku, cảm giác thật nhanh, thật nhớ những con đường ở Buôn Mê Thuột đầy cây xanh, thẳng tắp, nhớ phố Núi chợ đêm Pleiku, những nếp nhà sàn trong buôn làng. Cảm ơn  và hẹn trở lại Tây Nguyên vào một dịp gần nhất.

Các bài viết liên quan
Hotline: 0903 230 230
0903 230 230
Contact Me on Zalo